Tôi có một ông bạn
già người Anh rất yêu Việt Nam. Mỗi lần sang Việt Nam, thứ duy nhất ông mang về
là hàng tá phin cà phê và cà phê bột để tặng bạn bè và tự pha cho mình thưởng
thức. Tôi chỉ biết thế, cũng chẳng để ý nhiều.
Đến một ngày lang
thang trong một trang web về cà phê trên mạng, tôi mới hay cách pha cà phê bằng
phin của Việt Nam được người nước ngoài nhìn nhận hẳn hoi là “cà phê kiểu Việt
Nam”, cũng đặc trưng như cà phê kiểu Ý hay cà phê kiểu Thổ. Dưới đây là bài viết
của một người nước ngoài về cà phê pha kiểu Việt Nam, với một góc nhìn lạ – vì
là góc nhìn của người ngoài và sâu sắc – vì nó nhắc cho ta về một cái gì đó gần
gũi quen thuộc mà không phải ai cũng tinh ý để nhìn ra được.
Cà phê Việt Nam
không giống thứ gì khác. Tôi thích nó từ khi sống gần một quán ăn nhỏ của người
Việt. Thường thường, tôi gọi một tách cà phê Mỹ kèm theo bữa ăn. Một tối nọ
trời mưa, chỉ có mình tôi ngồi trong quán. Người chủ quán đứng cạnh bàn của
tôi, nói linh tinh vài ba câu câu chuyện phiếm. Khi đến lúc tôi dùng cà phê,
ông ta cười bảo: “Tối nay anh thử uống cà phê kiểu của tôi đi!”. Tôi đồng ý,
nghĩ có thử cũng chả sao. Nếu ai đó từng nói với tôi cà phê kiểu Việt Nam là
thứ cà phê rất đậm đặc hòa với sữa đặc có đường, tôi cũng không thể tưởng tượng
được gì thêm về hương vị của nó. Điều này cũng giống như họ bảo với tôi rằng
kem là sữa đông với đường và hương liệu thôi.
Cà phê phin đã trở
thành nét đẹp trong văn hóa cà phê Việt Nam
Vào những năm đầu
của thế kỉ XX, Việt Nam là nước chuyên xuất khẩu cà phê. Được mang vào Việt Nam
bởi người Pháp do địa hình đồi dốc của nước này, cà phê nhanh chóng trở thành
một thứ cây trồng đem về nhiều lợi nhuận. Vùng đồi núi ẩm ướt của nước này là
điều kiện lý tưởng để trồng cà phê Robusta, thứ thường được cho là ít thơm và
đắng hơn cà phê Arabica. Tuy việc sản xuất và xuất khẩu cà phê có hơi bị ngưng
trệ trong suốt và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng vào đầu thập niên 80, cà
phê Việt Nam một lần nữa lại bước vào thị trường thế giới. Năm 2004, sản lượng
xuất khẩu cà phê Việt chỉ đứng thứ hai sau Brazil. Vì cà phê Robusta được xem
là kém phẩm chất hơn cà phê Arabica, chúng thường được pha trộn với cà phê
Arabica để bán ở nơi công cộng. Loại cà phê Robusta trồng ở cao nguyên Việt Nam
là nguyên liệu lý tưởng để pha chế cà phê kiểu Việt.
Cũng tương tự như cà
phê Thổ Nhĩ Kì hay Espresso, cà phê Việt Nam cũng có những bí quyết và nghi
thức riêng nho nhỏ. Cà phê được ủ trong một cái ấm lọc thu nhỏ gọi là “phin”
đặt trên miệng “tách” cà phê của bạn. “Tách”, thường thì là một cái ly thủy
tinh, bởi cà phê Việt Nam quả thực là một buổi chiêu đãi cho con mắt và đầu
lưỡi của người uống. Từng giọt cà phê đặc nhỏ chậm xuống đáy ly, và lớp thủy
tinh giúp ta chiêm ngưỡng được quá trình đó. Cái phin cà phê Việt Nam trông hơi
giống một cái mũ phớt. Vành phin được thiết kế để có thể đặt khớp với vành ly.
Bên trong, phin có một khoảng trống và một đồ lọc. Nắp đồ lọc khớp với thân
phin để bạn có thể cho cà phê vào và chèn nó lên trên.
Làm thế nào để pha
một tách cà phê kiểu Việt Nam?
Vặn rời đồ lọc ra
khỏi phin, cho vào chừng 2 thìa xúp đầy bột cà phê Việt Nam loại ngon vào phin.
Nếu không thể tìm ra cà phê Việt Nam, thử dùng cà phê Luzianne với rễ rau diếp
xoăn (thường được sao và xay ra để dùng với cà phê hoặc thay cà phê). Thực tế,
nhiều người sành uống cho rằng không có rễ rau diếp xoăn thì không phải là cà
phê Việt Nam.
Đậy chặt đồ lọc lên
mặt cà phê bột trong phin. Động tác này cũng cùng mục đích với việc nhồi túi
lọc khi pha cà phê espresso. Nó nén chặt cà phê và làm chậm quá trình nước đi
qua cà phê bột, tạo thời gian để chiết xuất tất cả hương vị.
Đổ khoảng 1/3 inch
sữa đặc có đường vào đáy tách hoặc ly cà phê của bạn. Đặt phin cà phê lên vành
ly/tách.
Đổ 1 tách nước sôi
vào phin. Đậy nắp phin lại và chờ đợi.
Uống cà phê cần thời
gian. Cà phê kiểu Việt Nam khuyến khích một thái độ ung dung thư nhàn. Nó không
dành cho thói ào ào và mất kiên nhẫn. Có thể mất 10 phút hay hơn để nước thấm
qua lớp bột cà phê trong phin và nhỏ vào ly, chuyển thành một thứ cà phê đậm
đặc, sẫm mượt. Cà phê giờ đây nằm trên lớp sữa đặc trong tách tạo thành 3 tầng
khác biệt: sữa đặc màu kem ở đáy tách, một lớp mỏng cà phê hòa với sữa thành
màu caramel ở giữa, và cà phê đặc màu đen ở trên cùng.
Cuối cùng, nhấc phin
ra đặt lên một cái đĩa hứng nhỏ nào đó. Lấy muỗng khuấy đều cà phê với sữa và
thưởng thức.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét